Lịch sử Chủ_nghĩa_Marx

Hình thành

Để có thể hiểu cơ sở chủ nghĩa Marx tốt hơn, Lenin đã chia các tranh luận lý thuyết quan trọng nhất mà Marx và Engels đã thực hiện với các lý thuyết gia khác ra thành:

Những năm xuất bản các tác phẩm đầu tiên của Marx và Engel được xem là thời gian hình thành chủ nghĩa Marx. Bắt đầu từ năm 1841 Marx làm việc trong báo Rheinische Zeitung (Nhật báo Rhein), tờ báo mà ông điều hành sau này và cũng là tờ báo mà cuối cùng vào năm 1843 đã bị cấm hoạt động vì khuynh hướng đối lập quá khích. Quyển sách mỏng (pamphlet) Gia đình thần thánh được công bố cùng với Engels năm 1845. Năm 1847 Marx viết tác phẩm Sự khốn cùng của triết học như là câu trả lời cho Triết học của sự khốn cùng của Proudhon.

Tuyên ngôn của đảng cộng sản

Năn 1848 ông đã cùng với Engel viết Tuyên ngôn của đảng cộng sản cho Liên minh của những người cộng sản (Bund der Kommunisten). Tác phẩm Marxist quan trọng này mô tả các quan hệ xã hội thời bấy giờ, đặc biệt là giữa giai cấp công nhân và giai cấp thống trị. Dựa trên đó, bản tuyên ngôn yêu cầu hủy bỏ chủ nghĩa tư bản và thành lập các quan hệ xã hội cộng sản mới thông qua cuộc đấu tranh giai cấp không thể tránh khỏi: cần phải lật đổ sự thống trị của tư bản. Bản tuyên ngôn được tái bản nhiều lần từ 1872 đến 1892, với lời mở đầu mới thường là được bổ sung thêm.

Năm 1852 Marx công bố tác phẩm Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte. Trong đó ông nhận định cuộc đảo chính của Louis Napoléon năm 1851 theo cách nhìn về lịch sử và đặc biệt là về phân tích xã hội. Ông đã giải thích tiến trình của cuộc cách mạng bằng học thuyết lịch sử của ông và cũng đã giải thích về học thuyết dẫn đến đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản. "Ngày 18 tháng Sương mù" đã có nhiều ảnh hưởng đến nghiên cứu về chủ nghĩa chuyên chế. Theo quan điểm Marx-Lenin, tác phẩm này đã trình bày rằng một cuộc cách mạng vô sản thắng lợi phải đập vỡ bộ máy nhà nước tư sản[10].

Năm 1859 quyển Phê bình kinh tế chính trị học được xuất bản, chứa đựng tất cả các giả thiết mà Marx trình bày trong tác phẩm chính của ông "Tư bản". Năm 1867, tập một của bộ "Tư bản" bao gồm ba tập gần 3.000 trang được xuất bản. Engels phát hành tập 2 và 3 sau khi Marx qua đời và qua đấy đã góp phần quyết định vào việc xây dựng học thuyết Marxist, cũng bằng nhiều tóm lược mang tính khoa học phổ thông của ông.

Năm 1878 Engels xuất bản tác phẩm Chống Dühring. Xuất phát từ yêu cầu của Wilhelm Liebknecht nhằm làm giảm ảnh hưởng của Dühring, tác phẩm mang tính bút chiến này đã trở thành một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất của Marx và Engels bên cạnh bản tóm tắt của Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, chứ không phải là tác phẩm "Tư bản". Tầm quan trọng của Chống Dühring không phải nằm trong việc tranh luận với Dühring mà trong việc diễn tả "thế giới quan cộng sản" (lời nói đầu của lần phát hành thứ 2). Không những các nét chính của chủ nghĩa Marx được diễn đạt mà nhiều đề tài cho đến thời điểm đấy chưa được nhắc đến cũng được đề cập. Chống Dühring cũng đã có nhiều ảnh hưởng quan trọng đến Lênin. Trong nội bộ của "chủ nghĩa Marx phương Tây" tác phẩm của Engels không phải là không được tranh cãi, đặc biệt là việc diễn đạt chân thực các ý tưởng của Marx qua Engels hay việc phân rõ ranh giới của ông với các ý tưởng của Marx. Chống Dühring đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của chủ nghĩa Marx. Về một mặt sự truyền bá và phổ cập các ý tưởng Marxist bắt đầu với tác phẩm này, về mặt khác việc đơn giản hóa và giáo điều hóa học thuyết Marxist cũng hình thành[11].

Chủ nghĩa xã hội hiện thực

Lãnh tụ Xôviết Vladimir Ilyich Lenin

Mặc dù là một trong các quốc gia hùng mạnh nhất của thế giới, nước Nga vào cuối thế kỷ XIX vẫn mang nhiều dấu ấn của nông nghiệp. Nhiều nơi vẫn còn tồn tại cơ cấu phong kiến tiền tư bản. Bắt đầu từ thời Nga hoàng Nikolai II (1894 - 1917) công nghiệp hóa được đẩy mạnh. Giai cấp vô sản đang tăng nhanh đã phải cam chịu cuộc sống xã hội khốn cùng. Phong trào chống Nga hoàng trong thế kỷ XIX ở nước Nga đã chịu nhiều ảnh hưởng của các khuynh hướng cách mạng xã hội và vô chính phủ hơn là phần lớn các nước châu Âu khác, nơi mà phong trào dân chủ xã hội Marxist có tổ chức chỉ đang bắt đầu trong đầu thế kỷ XX.

Năm 1898 Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga được thành lập từ ba tổ chức Marxist, nhưng lại bị cấm hoạt động ngay sau đó. Năm 1903, lưu vong ở nước ngoài, đảng tách ra thành Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lenin và Menshevik. Sau khi cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 do những người Menshevik dẫn đầu đã không thể dẫn đến việc nước Nga rút ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất, Lenin rời Phần Lan về thủ đô Sankt-Peterburg, để từ nơi đây phát động một cuộc cách mạng và thương lượng ngưng chiến.

Cuộc Cách mạng tháng Mười do Vladimir Ilyich Lenin và Lyov Davidovich Trotsky lãnh đạo. Cho đến khi qua đời vào ngày 23 tháng 1 năm 1924, Lenin là người lãnh đạo của Đảng với cách diễn giải của chủ nghĩa Lenin rằng đảng là công cụ của chuyên chính vô sản, được tổ chức chặt chẽ và không cho phép thành lập phe phái trong nội bộ. Để trả lời các phản đối chống lại quyền lực nhà nước chuyên chính, Lenin viết trong quyển Nhà nước và Cách mạng lý thuyết "Marxist" về sự chết dần của nhà nước, việc sẽ xảy ra khi đạt đến chủ nghĩa cộng sản, khi mà nhà nước như là công cụ của giai cấp thống trị sẽ trở thành dư thừa, mặc dầu là khái niệm này không có ở Karl Marx – điều không được nhìn thấy trong một thời gian dài.

Năm 1924, Iosif Vissarionovich Stalin, người bắt đầu có quyền lực ngay từ khi cuộc cách mạng bắt đầu, đã định nghĩa chủ nghĩa Lenin như là "chủ nghĩa Marx của thời đại chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản...lý thuyết và chiến thuật của cách mạng vô sản nói chung và lý thuyết và chiến thuật của chuyên chính vô sản nói riêng." ("Về cơ sở của chủ nghĩa Lenin"). Ngược lại, phản ứng với chủ nghĩa Stalin, Trotsky đã phát triển những ý tưởng riêng, những cái mà lúc đầu được gọi một cách hạ thấp là chủ nghĩa Trotsky. Khái niệm này được chính những người theo chủ nghĩa Trotsky tiếp nhận sau này. Chủ nghĩa Trotsky về cơ bản dựa vào hai thuyết chính: về một mặt là thuyết của "cuộc cách mạng liên tục" mà theo đó chủ nghĩa xã hội là xã hội quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể thành công trên bình diện quốc tế, vì thế mà toàn bộ thế giới phải được giải phóng khỏi chủ nghĩa tư bản bằng một cuộc cách mạng. Về mặt khác là các phân tích về Liên bang Xô viết như là một "nhà nước công nhân thoái hóa" mà trong đó một chế độ quan liêu đã cướp lấy quyền lực.

Cuộc Cách mạng tháng Mười đã tác động mạnh đến phong trào công nhân thế giới: bắt đầu từ năm 1918 nhiều đảng cộng sản được thành lập trên toàn châu Âu, con số đảng viên tăng rất nhanh và ngay sau đó đã hình thành mâu thuẫn có thể thấy rõ với giới tư sản. Đặc biệt là ở Đức (Cộng hòa Weimar) và ở Ý một phần đã dẫn đến các tình trạng tương tự như nội chiến cho đến khi Benito Mussolini chiếm quyền lực ở Ý năm 1922Adolf Hitler ở Đức năm 1933 và đã đập tan tất cả các tổ chức công nhân hay đẩy lùi cái tổ chức này vào thế hoạt động bí mật.

Lyov Davidovich Trotsky

Sau khi Lenin qua đời (1924), trong nội bộ của Đảng Cộng sản Liên bang Xô viết đã bùng nổ cuộc tranh chấp do những bất đồng trong chính sách điều hành đất nước giữa I. V. Stalin và L. D. Trotsky, người dẫn đầu phe đối lập cánh tả. Stalin đã giành được thắng lợi trong cuộc tranh chấp này và ngay sau đó đã tập trung đủ quyền lực về ông. Trotsky bị khai trừ ra khỏi đảng trong năm 1927, sau đó bị tước quốc tịch Liên Xô và phải tị nạn chính trị qua nhiều đường khác nhau đến México. Tại đây, ông đã bị một điệp viên Nga sát hại sau khi đã xuất bản rất nhiều tác phẩm chống Stalin.

Trong thời gian từ 1929 cho đến 1953 Stalin đã thực hiện chủ nghĩa Lenin tại Liên bang Xô viết: chủ nghĩa Stalin dựa trên chủ nghĩa xã hội nhà nước và đẩy mạnh đấu tranh giai cấp mà trong đó Stalin cũng đã tiếp nhận việc lãnh đạo đảng không khoan nhượng của Lenin. Các cuộc đấu tranh giai cấp cần phải mang lại sự phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và qua đó giải phóng giai cấp vô sản. Nikita Sergeyevich Khrushchyov đã có các cố gắng đầu tiên loại trừ chủ nghĩa Stalin nhưng chủ nghĩa Stalin vẫn còn là nền tảng lý thuyết chính. Cuối cùng, Mikhail Sergeyevich Gorbachyov đã bắt đầu việc từ bỏ sùng bái cá nhân Stalin cũng như thực hiện nhiều cải cách có ảnh hưởng sâu rộng theo hướng từ bỏ mô hình kinh tế - xã hội Stalinist dẫn đến sự sụp đổ của các nhà nước Đông Âu và của Liên bang Xô viết trong năm 1992.

Sau khi chủ nghĩa phát xít chấm dứt tại châu Âu đã có nhiều người theo chủ nghĩa Marx trong thời gian đầu, thí dụ như Đảng Cộng sản Ý đã có khoảng 1,8 triệu đảng viên trong năm 1945. Thế nhưng chẳng bao lâu sau số lượng đảng viên giảm mạnh và nhiều người Marxist – đặc biệt là sau khi Stalin qua đời – đã dao động. Nhiều người Marxist Ý và Pháp đã giữ khoảng cách với Liên bang Xô viết. Và khi phong trào sinh viên bắt đầu giữa thập niên 1960, chủ nghĩa Marx đã bị phân chia ra thành nhiều nhóm nhỏ với nhiều khuynh hướng khác nhau. Nếu như một cuộc cách mạng từng được nhiều người Marxist mong đợi thì sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực chấm dứt trong Liên bang Xô viết phần lớn họ đã thỏa thuận với phong trào dân chủ xã hội và chỉ giới hạn ở những đề nghị cải cách. Đảng Cộng sản Ý ( Partito della Rifondazione Comunista) hiện nay (2005) đang có đại diện trong Quốc hội Ý.

Mao Trạch Đông (1939)Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1949 Mao Trạch Đông cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền lực tại Trung Quốc. Mao Trạch Đông, mà người đồng minh duy nhất của ông là Liên bang Xô viết, đã lãnh đạo dựa trên chủ nghĩa Mao cho đến 1976. Chủ nghĩa Mao Trạch Đông được phát triển từ chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Stalin mà trong đó sự tiến bộ đóng vai trò trung tâm. Bên cạnh vai trò của công nhân, chủ nghĩa Mao nhấn mạnh vai trò của nông dân trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do mất uy tín chính trị ngay trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc vì "Đại nhảy vọt", một chiến dịch với mục đích tăng cường sức mạnh kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung quốc nhưng bị thất bại dẫn tới hậu quả là một nạn đói lớn, Mao đã cố gắng thực hiện các ý tưởng của ông về một xã hội và nhà nước mới trong sạch và tốt đẹp hơn theo các tiêu chuẩn của chủ nghĩa Mao bằng cuộc Cách mạng văn hóa bắt đầu trong năm 1966. Cuộc Cách mạng văn hóa đã có ảnh hưởng quyết định về mặt chính trị ở Trung Quốc cho đến khi ông qua đời. Nó đã dẫn đến nhiều chết chóc, phá hủy các di sản văn hóa nhưng cũng đã quét đi những tàn dư phong kiến và đem lại một diện mạo mới cho xã hội Trung Quốc. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Trung Quốc ngày càng mở cửa cho tư bản phương Tây đầu tư vào nền kinh tế trong nước.

Sau khi cuộc cách mạng thành công tại Cuba năm 1959, Fidel Castro tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa vào ngày 2 tháng 12 năm 1961 và Cuba được định nghĩa rõ ràng là một nhà nước theo chủ nghĩa Marx - Lenin. Trong Chiến tranh Lạnh, Cuba chỉ có quan hệ kinh tế và chính trị với các quốc gia xã hội chủ nghĩa và với cuộc Khủng hoảng Cuba, mâu thuẫn công khai giữa các cường quốc thế giới suýt đã bùng nổ. Liên bang Xô viết sụp đổ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, song Cuba đã vượt qua và sau đó là việc mở cửa cho các tập đoàn lớn và khách du lịch vào nước. Hiện nay, Cuba là một quốc gia có trình độ phát triển khá cao ở khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Phong trào Dân chủ Xã hội

Cùng với việc tự do hóa về mặt chính trị của cuộc Cách mạng tháng Ba 1848/1849 tại Đức, lần đầu tiên những người công nhân đã tự tổ chức các liên hiệp tương tự như công đoàn. Sau đấy nhiều tổ chức công nhân khác nhau đã được thành lập, tiền thân của công đoàn và cuối cùng là các đảng xã hội chủ nghĩadân chủ xã hội như Hội Công nhân Đức Phổ thông (Allgemeine Deutsche Arbeiterverein – ADAV) năm 1863 và vào năm 1869Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội (Sozialdemokratische Arbeiterpartei – SDAP) có khuynh hướng Marxist chung quanh Wilhelm LiebknechtAugust Bebel, cũng là phân bộ Đức của Đệ Nhất Quốc tế.

Hai tổ chức này thống nhất dưới tên Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Đức (Sozialistische Arbeiterpartei Deutschlands – SAP) vào năm 1875 tại Gotha dựa trên Chương trình Gotha, chương trình mà đã bị Marx chỉ trích vì mang tính nhượng bộ đối với ADAV có khuynh hướng cải cách. Đàn áp, truy nã tư pháp và cấm hoạt động một thời gian cũng như Các đạo luật dành cho những người theo chủ nghĩa xã hội trong thời gian 1878 đến 1890 dưới thời thủ tướng đế chế Otto von Bismarck đã không thể ngăn chận con số thành viên của những tổ chức Marxist tăng nhanh chóng. Năm 1890 SAP trở thành Đảng Xã hội Dân chủ Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands – SPD) và với Chương trình Erfurt lại có định hướng chủ nghĩa Marx nhiều hơn. Vào thời điểm này SPD là đảng lớn nhất, mang ảnh hưởng của hệ tư tưởng Marx và thống nhất trong nội bộ nhiều khuynh hướng Marxist khác nhau.

Trong thời kỳ đầu đảng mang nhiều ảnh hưởng của phái cánh tả/Marxist chung quanh Rosa Luxemburg. Trong thời gian bước sang thế kỷ mới đã có nhiều cuộc tranh luận về mục tiêu chính trị trong đảng SPD mà thắng lợi đã nghiên về những người Marxist, ngoài những việc khác là nhờ vào nghị luận Cải cách xã hội hay cách mạng của Rosa Luxemburg. Thế nhưng đường hướng chính trị thực tế của đảng lại theo phương hướng dân chủ xã hội, ngay cả sau khi Eduard Bernstein công bố luận đề Các nhiệm vụ của phong trào dân chủ xã hội (1899).

Trong cuộc Cách mạng tháng Mười một năm 1918, ban lãnh đạo Đảng SPD chống lại đề nghị biến đổi Đế chế Đức sang một nhà nước xã hội chủ nghĩa mà kết quả là phong trào công nhân cuối cùng đã tách ra thành những người có chủ trương cải cách (dân chủ xã hội) và những người cộng sản.

Năm 1959 Đảng SPD với Chương trình Godesberg cuối cùng đã từ bỏ thế giới quan Marxist như là cơ sở lý thuyết.

Chủ nghĩa Marxist Áo (Austromarxism) là một khuynh hướng trong khuôn khổ của chủ nghĩa Marx, đặc biệt phổ biến rộng rãi trong phong trào dân chủ xã hội Áo trong các thập niên đầu của thế kỷ XX. Trong khái niệm chủ nghĩa Marxist Áo có nhiều quan điểm khác nhau vì thế mà khái niệm này thật ra là mang chiều hướng mô tả xuất xứ theo nghĩa một trường phái Áo của chủ nghĩa Marx hơn là một cơ sở rõ rệt của một nội dung thống nhất. Nhiều người trong giới trí thức có thể xem như là người theo chủ nghĩa Marxist Áo như Max Adler, Rudolf Hilferding, Otto Bauer, Karl RennerGustav Eckstein.

Một "mẫu số chung" của chủ nghĩa Marxist Áo là chương trình của Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội năm 1926, được gọi là Chương trình Linz. Trong chương trình này, chủ yếu là do Otto Bauer phác thảo, các nguyên lý cơ bản chung của chủ nghĩa Marxist Áo được trình bày. Người theo chủ nghĩa Marxist Áo tự hiểu mình là con đường thứ ba giữa chủ nghĩa cải cách dân chủ xã hội và chiều hướng cách mạng mà thời đó đại diện chủ yếu là các đảng thuộc Quốc tế cộng sản.

Các khuynh hướng tân Marxist

Chủ nghĩa tân Marxist không phải bắt buộc phải là "mới" mà thật ra là một khái niệm quy tụ nhiều chiều hướng hay ý tưởng Marxist khác với cách nhìn chính thống của học thuyết Marxist và vạch rõ ranh giới với các tư tưởng truyền thống và đặc biệt là với sự thực hiện trên thực tế của chủ nghĩa Marx-Lenin. Mặc dù vậy các lý thuyết của Lenin, Trotsky hay Rosa Luxemburg vẫn mang tầm quan trọng trong các nghị luận của chủ nghĩa tân Marxist. Thuộc vào trong số các lý thuyết gia quan trọng nhất thời kỳ đầu của chủ nghĩa tân Marxist là Karl Korsch, Georg Lukács, Ernst BlochAntonio Gramsci.

Karl Korsch (1886 - 1961)

Karl Kosch với tác phẩm Chủ nghĩa Marx và triết học là người đầu tiên vượt qua được đàm luận mang tính "giáo điều" về lý thuyết Marxist bằng cách tự áp dụng lý thuyết lịch sử Marxist vào sự phát triển của chủ nghĩa Marx[12].

Những khái niệm cơ bản của thuyết Marxist mà Georg Lukács phân tích là sự tha hóa (Marx's theory of alienation), xu hướng biến tất cả vật thể thành hàng hóa (reification) và ý thức giai cấp. Lukács cho rằng cùng với sự tư bản hóa liên tục của một xã hội ngày càng có nhiều tiểu hệ thống mang cơ cấu tư bản (cơ sở đào tạo biến thành xí nghiệp đào tạo cũng phải hoạt động mang tính kinh tế như một doanh nghiệp; nhà nước cần phải được điều hành như một doanh nghiệp,...). Quá trình biến vật thể thành hàng hóa này quyết định tất cả các quan hệ xã hội. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là Lịch sử và ý thức giai cấp[13].

Erst Bloch cho rằng không chỉ đến với con người bằng các lý lẽ dựa trên lý trí mà vì có sự phát triển không đồng thời nên phải kêu gọi họ trên một bình diện sâu hơn. Ông nhắc đến những đấu tranh không được thỏa mãn trong lịch sử và sự xuất hiện của một thế giới không có sự thống trị sẽ được nhìn thấy trong một xã hội không tưởng cụ thể. Giữa thập niên 1950, ngay sau khi hoàn thành tác phẩm chính Das Prinzip Hoffnung (Nguyên lý của hy vọng), ông rời bỏ nước Cộng hòa Dân chủ Đức sang Cộng hòa Liên bang Đức do nhiều người học trò của ông đã bị bắt giam.

Antonio Gramsci, người đồng thành lập Đảng cộng sản Ý (Partito Comunista Italiano) đã sáng tác một trong các tác phẩm quan trọng nhất của chủ nghĩa tân Marxist. Khái niệm chính của học thuyết của ông là sự lãnh đạo (hegemony), được hiểu như là "sự thành hình của một ý thức tập thể" và như là "sự truyền bá của một phương thức suy nghĩ và hành động thuần nhất"[14]. Với các tác phẩm của ông, Gramsci đã có nhiều ảnh hưởng không những đến các nhà lý thuyết Marxist mà còn đến các lý thuyết châu Âu trong lãnh vực xã hội học và chính trị học. Ông cũng đã đặt những hòn đá nền tảng cho Chủ nghĩa Cộng sản châu Âu.

Chủ nghĩa Marxist châu Âu là một trong những khuynh hướng mang ảnh hưởng chủ nghĩa tân Marxist quan trọng nhất. Chủ nghĩa này ủng hộ các thay đổi trong các nền dân chủ đa nguyên (của phương Tây, kể cả Nhật Bản). Khái niệm phân rõ ranh giới với chủ nghĩa xã hội hiện thực, đặc biệt là trong các thập niên 19701980, đã không còn được thông dụng nữa sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ và hiếm thấy trong thời gian hiện nay. Các đảng thuộc chủ nghĩa cộng sản châu Âu đã ra tranh cử trong các cuộc bầu cử ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Trường phái Frankfurt trong Viện nghiên cứu xã hội của trường Đại học Johann Wolfgang Goethe tại Frankfurt am Main do Max Horkheimer thành lập trong thập niên 1930 và tồn tại đến 1959. Cùng với Thuyết tới hạn (critical theory) Trường phái Frankfurt đã phát triển một triết học xã hội mang tính phê bình hệ tư tưởng, chịu ảnh hưởng của phê bình lý trí phương Tây, bàn về các điều kiện xã hội và lịch sử cho việc hình thành ý thức hệ trong xã hội và đặc biệt là về late capitalism. Cùng với sự phê bình này là đòi hỏi cải tạo quan hệ xã hội. Các nhà đại diện quan trọng bên cạnh Horkheimer là Theodor W. Adorno, Walter Benjamin, Erich Fromm, Herbert Marcuse và sau đấy là Jürgen Habermas. Trường phái Frankfurt đã có ảnh hưởng đến khuynh hướng Cánh tả mới (new left), các khuynh hướng tân Marxist khác cũng như là đến các cuộc tranh luận chuyên môn trong khoa học xã hội.